Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT VỀ COVID-19

covid-19-gundamvn101


I. COVID-19, SARS-CoV-2, Corona Virus là gì?

1. Tại sao gọi là virus Corona?

Nói virus Corona là đang nói đến cả một họ virus lớn. Corona theo tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “vương miện”. Loại virus này do hình dạng có nhiều gai nhô lên trên bề mặt trông giống như “vương miện” nên được đặt tên là Corona.  

Những chiếc gai này sẽ giúp virus tương tác với thụ thể trên tế bào như chìa khóa và ổ khóa, qua đó giúp virus xâm nhập vào bên trong, chiếm lấy và điều khiển bộ máy bộ máy của tế bào giúp nó nhân lên, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác.

covid-19-gundamvn101

Nguồn: Electron microscopy of SARS-CoV-2: a challenging task - The Lancet

Tính cả 2019-nCoV thì có tổng cộng 7 loại virus Corona. Trong đó có 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; 2 loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. 

Hội chứng (syndrome) là một tập hợp các dấu hiệu bệnh và triệu chứng có mối tương quan với nhau  thường xuất hiện ở một bệnh cụ thể. Các chủng virus Corona khác nhau có thể gây ra các hội chứng khác nhau, một số nghiêm trọng hơn ví dụ như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS - Severe Acute Respiratory Syndrome), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS - Middle East Respiratory Syndrome). Do đó để góp phần nhận biết người ta có thể ghép cả tên hội chứng với tên virus, điển hình là SARS-CoV, MERS-CoV.

Bùng phát vào cuối tháng 12/2019, bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, virus Corona ban đầu được xác nhận là một loại bệnh “viêm phổi lạ” hoặc “viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Chỉ sau 100 ngày xuất hiện, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đã nhanh chóng tác động tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói chưa từng có trong lịch sử.

covid-19-gundamvn101

Nguồn: Hector Retamal / AFP - via Getty Images

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và phân lập, xác định được đây là một chủng virus Corona mới có trình tự gen giống với Sars-CoV trước đây, với mức tương đồng lên tới 79,5%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạm thời gọi đây là 2019-nCoV (trong đó nCoV viết tắt cho “novel coronavirus” - một chủng coronavirus mới chưa được xác định). Đây là dạng virus mới nên con người chưa từng có miễn dịch, kể cả miễn dịch chéo trước đó.

2. SARS-CoV-2 và COVID-19 viết tắt cho từ gì?

Ngày 11/2/2020, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố đặt tên bệnh do virus Corona gây ra ở Vũ Hán là "COVID-19" (Coronavirus disease 2019) với 2019 là năm mà loại virus gây đại dịch này xuất hiện. Theo đó, WHO cũng công bố tên chính thức cho loại virus gây sự bùng phát của dịch COVID-19 là "SARS-CoV-2" do chủng virus này gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, thay cho tên gọi 2019-nCoV trước đó.

Lý giải tại sao virus và bệnh có tên khác nhau, tổ chức này cho biết, virus và bệnh mà chúng gây ra thường có tên khác nhau. Ví dụ, HIV là virus gây ra bệnh AIDS, Rubeola và virus gây ra bệnh sởi... Việc đặt tên bệnh còn nhằm hỗ trợ trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị.

Trở lại mục lục bài viết



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

II. Đường lây COVID-19 và cách phòng tránh

Lưu ý: Bất kỳ ai bị nhiễm COVID-19 đều có thể lây bệnh, 
ngay cả khi họ KHÔNG có triệu chứng.

1. Ba con đường lây nhiễm

COVID-19 lây lan khi người nhiễm bệnh thở / ho / hắt xì ra các giọt bắn và các giọt bắn siêu nhỏ có chứa virus. Những người ở gần hơn 2 mét so với người bị nhiễm bệnh có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất, do đó theo khuyến cáo khoảng cách an toàn là 2 mét (tối thiểu là 1 mét).

Như vậy, người bình thường sẽ bị nhiễm COVID-19 khi rơi vào 3 trường hợp sau:

  • Hít phải giọt bắn, giọt bắn siêu nhỏ giọt nhỏ có chứa vi-rút trong không khí
  • Để giọt bắn, giọt bắn siêu nhỏ có chứa vi-rút rơi vào mắt, mũi hoặc miệng
  • Chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay có vi-rút trên đó.
covid-19-gundamvn101

Thế nói COVID-19 lây lan qua không khí là có đúng không?

Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) giải thích virus gây bệnh Covid-19 không thể tồn tại trong không khí mà luôn nằm trong giọt bắn (dịch hầu họng, nước bọt của người mắc bệnh). Trong môi trường kín, điều hòa, các giọt bắn chứa virus lơ lửng trong không khí nên dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết điều này cần phải được hiểu đúng. Virus chỉ có thể lây lan trong không khí nhưng trong không gian kín. Còn trong không gian mở, nhờ các yếu tố khác như ozone, hạt sương mù, gió... khả năng truyền nhiễm sẽ được giảm bớt.

Do đó, ông Nhung nhấn mạnh F0 không được ở trong không gian kín và dùng điều hòa trung tâm. Khuyến cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ F0 cần ở những nơi thông thoáng, cửa sổ mở, chỉ dùng điều hòa riêng.

2. Cách phòng chống lây nhiễm COVID-19

Hãy tiêm vaccine + Thực hiện khuyến cáo "5K" nhé!
Đeo khẩu trang. Xịt khử khuẩn. Giữ khoảng cách. Luôn khai báo. Không tụ tập. 

covid-19-gundamvn101

Chi tiết hơn, có 9 biện pháp giúp phòng chống COVID-19:

covid-19-gundamvn101

Sau khi tiêm vaccine có phải chúng ta sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với COVID-19?

Phân tích về vấn đề này, TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh, vaccine COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác, tức là "người lành mang bệnh".

Bên cạnh đó vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc xin.

Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh rằng tiêm chủng vaccine COVID-19 là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ.

  • Vaccine giúp bảo vệ và chống sự lây lan của COVID-19.
  • Vaccine cũng đảm bảo chúng ta không mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm COVID-19.
  • Tự mình tiêm phòng cũng giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19...

covid-19-gundamvn101

Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn

Trở lại mục lục bài viết



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

III. Triệu chứng và cách xử trí cho F0, F1

1. Triệu chứng của COVID-19

COVID-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Hầu hết những người nhiễm virus sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể diễn tiến nặng dần nếu không được can thiệp kịp thời và xử trí đúng cách.

Các triệu chứng thường gặp nhất:

  • Sốt
  • Ho khan
  • Mệt mỏi

Các triệu chứng ít gặp hơn:

  • Đau nhức, đau đầu, đau họng
  • Mất vị giác hoặc khứu giác
  • Tiêu chảy
  • Viêm kết mạc
  • Da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái

Các triệu chứng nghiêm trọng:

  • Khó thở
  • Đau hoặc tức ngực
  • Mất khả năng nói hoặc cử động

Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5–6 ngày kể từ khi người bệnh nhiễm virus. Tuy nhiên, thời gian này có thể lên tới 14 ngày.

2. Cách xử trí nếu khi nghi ngờ nhiễm COVID-19

Số điện thoại liên hệ:

  • Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế.
  • Gọi tổ phản ứng nhanh (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện quận, huyện, công an và các tình nguyện viên...) đã được thành lập tại địa phương để được hỗ trợ.

Những việc cần làm khi có các triệu chứng nhiễm covid-19 (sốt, ho, đau họng, khó thở):

  • Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét.
  • Làm sạch tất cả các bề mặt "hay chạm vào" hàng ngày
  • Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy. Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắng đậy kín, hoặc vào túi và buộc kín miệng.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy.
  • Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa...
  • Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học.
  • Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.
Lưu ý: Thực hiện nghiêm túc và liên tục
kể cả khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

covid-19-gundamvn101

3. Cách xử trí khi phát hiện bị nhiễm COVID-19

Xem hướng dẫn chi tiết của CDC: Cần Phải Làm Gì Nếu Bị Bệnh | CDC

covid-19-gundamvn101

Khi biết mình mắc COVID-19, điều quan trọng là phải bình tĩnh để sắp xếp việc cách ly tại nhà cho bản thân đảm bảo 2 nguyên tắc: không lây nhiễm cho người xung quanh và tự theo dõi sức khỏe của bản thân.

Lưu ý: Nếu có những dấu hiệu chuyển nặng dưới đây hãy gọi ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời.

  • Li bì, lừ đừ, không thể thức dậy hay duy trì sự tỉnh táo
  • Da, móng tay hoặc môi nhợt nhạt, tím tái, xám màu
  • Khó thở, thở hụt hơi
  • Thở nhanh > 30 lần/phút
  • SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà)
  • Đau hoặc tức ngực thường xuyên

4. Người F0, F1 cách ly tại nhà cần làm gì?

Theo bà Đinh Thị Hải Yến - trưởng khoa truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay F0 không triệu chứng đã được cho phép cách ly tại nhà.

covid-19-gundamvn101
Trở lại mục lục bài viết


Tạm thời trên đây là những thông tin căn bản nhất GundamVN101 thấy mọi người cần biết về COVID-19. Nếu có đóng góp ý kiến gì về bài viết mọi người bình luận bên dưới nhé. Chúc mọi người và gia đình bình an qua đại dịch!

Nguồn tham khảo:

  1. Virus Corona 2019 (Covid 19, Sars Cov 2): Nguyên nhân & triệu chứng (vnvc.vn)
  2. WHO nói việc đặt tên virus gây dịch bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2 - Bộ Y tế - Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (moh.gov.vn)
  3. Cách Virus Corona Lây Lan | CDC
  4. SARS-COV-2 LÂY QUA ĐƯỜNG KHÔNG KHÍ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? | Trạm Y tế Phường Phước Bình (medinet.gov.vn)
  5. 9 biện pháp mới nhất phòng chống dịch COVID-19 người dân cần biết - Bộ Y tế - Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (moh.gov.vn)
  6. Cần Phải Làm Gì Nếu Bị Bệnh | CDC
  7. Tiêm vắc xin có chắc chắn miễn nhiễm COVID-19? - Hoạt động của địa phương - Cổngthông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)



Thêm EmojiTắt Emoji